Trước khi đi vào vấn đề cụ thể, chúng ta cần đồng ý với nhau 2 điểm:
1. Thời gian học đại học (nếu có) rất quan trọng.
2. Thời gian và kết quả học đại học không đủ quyết định thành công trong sự nghiệp.
Thứ nhất, thời gian học đại học là quan trọng. Sự nghiệp của một nhân sự trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT) thường kéo dài khoảng 40 năm, như vậy, 4 năm học đại học chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, đây là 10% thời gian bạn bắt đầu sự nghiệp, giai đoạn quan trọng tạo sức bật. Để dễ hình dung, nếu ví sự nghiệp của bạn như 1 năm, thì thời gian này tương đương 1 tháng sau Tết. 1 tháng dài hay ngắn? Bạn có thể đánh giá thông qua đợt dịch Covid-19 vừa qua. 1 tháng này quan trọng hay không? Bạn có thể đánh giá qua việc mọi kế hoạch năm bị điều chỉnh chỉ vì 1 tháng vừa qua, từ vĩ mô tới vi mô.
Thứ hai, 10% thời gian tất nhiên không đủ quyết định hoàn toàn tới thành công, bởi dù thế nào, bạn vẫn còn 90% thời gian. Dịch Covid vừa qua đã cuốn trôi 1 tháng (tương đương 10% thời gian trong năm) của các doanh nghiệp, cá nhân; song họ vẫn có thể đạt được 1 năm thành công nếu vượt lên mạnh mẽ các tháng sau đó. Tương tự, nếu trót có thời gian học đại học “đáng bỏ đi”, cơ hội để gây dựng sự nghiệp tốt vẫn còn nếu bạn biết điều chỉnh nỗ lực của mình.
Trường đại học dạy bạn những gì?
Những kiến thức, kỹ năng được các trường đại học sắp xếp vào từng môn học, thường được tổ chức thành 3 cấu phần sau:
- Những môn học “căn bản”: Mục tiêu của trường đại học luôn là đào tạo kiến thức, kỹ năng căn bản. Mức độ căn bản thường được sắp xếp theo tiến trình như sau:
- Những kiến thức “căn bản”: Tập trung vào 1 – 2 năm học đầu tiên, bao gồm: toán học, vật lý, cách máy tính hoạt động, tiếng Anh,… Rất tiếc, những môn học này có tính phân cực cao nên ít tạo ra hứng khởi cho số đông. Trong khi tiếng Anh là kỹ năng cần thiết của 100% nhân sự CNTT thì toán học và vật lý lại chỉ thực sự hữu dụng cho 1% công việc sau này.
- Những kiến thức “nền tảng ngành”: Tập trung vào 2 – 3 năm học đầu tiên, bao gồm: lập trình, cấu trúc dữ liệu & giải thuật, cơ sở dữ liệu, hệ điều hành, mạng máy tính,… Đây là những kiến thức cực kỳ quan trọng vì dù bạn có làm việc trong lĩnh vực nào của CNTT thì đây là những kiến thức bắt buộc phải biết.
- Những kiến thức “chuyên ngành”: Đây là những môn học chuyên ngành, tập trung vào năm thứ 3 và thứ 4, bao gồm: cách phân tích và xây dựng một hệ thống thông tin, cách quản trị một hệ thống, cách làm cho máy tính “thông minh” hơn,…
Trường đại học cho bạn những gì?
1/ Những cuộc thi: Nếu bạn yêu thích những cuộc thi, thử thách, trường đại học gần như là lựa chọn duy nhất. Các trung tâm có thể tạo ra cuộc thi, sân chơi tốt, song tôi đang đề cập đến những cuộc thi “chính thống” và có uy tín như Olympic sinh viên, ACM-ICPC, Imagine Cup, Robocon,… Điểm lợi của việc tham gia những cuộc thi này là:
- Bạn có trải nghiệm với thước đo “chuẩn” ở mức độ Quốc gia, Quốc tế;
- Bạn có chứng nhận uy tín (nếu đoạt giải), điều mà những nhà tuyển dụng ưa thích;
- Bạn có cơ hội giao lưu với những người cùng sở thích, đam mê ở diện rộng hơn (Quốc gia, Quốc tế).
Tất nhiên, những cuộc thi quy mô không bao giờ dành cho số đông, đó là câu chuyện của 5% (thậm chí là 1%) số sinh viên. Bạn nên cân nhắc giữa quyết tâm, năng lực, cơ hội và nhiều khi là may mắn.
2/ Những mối quan hệ: Không thể phủ nhận rằng thành công về sự nghiệp của một cá nhân có đóng góp rất lớn từ chất lượng những mối quan hệ; và trường đại học là nơi mang tới những quan hệ “chất lượng”. Thứ nhất, hầu hết các giảng viên có chuyên môn và cách sống tốt; thứ hai, bạn bè trong trường đại học cũng thường là những con người tốt. Việc duy trì những mối quan hệ này còn rất tốt trong quãng sự nghiệp sau này. Các bạn học của tôi hiện có nhiều người làm việc tại những tổ chức lớn như Apple, Microsoft, Amazon, Google,… tôi luôn có nhiều điều học hỏi mỗi khi có dịp trò chuyện cùng họ.
Trường đại học không cho bạn những gì?
Bên cạnh những trải nghiệm đem lại lợi ích không thể chối bỏ, môi trường Đại học vẫn còn một số thiếu sót, theo tôi, là đáng tiếc.
Đạo đức: Đa số trường Đại học đào tạo về CNTT hiện nay bỏ ngỏ vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Có rất ít trường đề cập tới nó một cách trực tiếp. Tôi được biết, thời điểm này chỉ có khoảng 5 trường Đại học tại Việt Nam có môn về đạo đức nghề nghiệp.
Bạn là quản trị viên của một hệ thống có thông tin 1 triệu khách hàng, bạn làm gì khi nhận được lời đề nghị 100 triệu để cung cấp thông tin 1 triệu khách hàng này cho bên thứ 3? Câu hỏi này khá dễ trả lời về mặt luật pháp. Bạn không được phép, đơn giản vì thông tin 1 triệu khách hàng là tài sản của công ty; thậm chí là tài sản của các khách hàng, và công ty bạn chỉ là người lưu trữ nhằm phục vụ họ.
Tôi chỉ muốn đưa ra những gợi mở để bạn quan tâm và tìm hiểu rõ hơn về code of ethics/code of conducts chung cho ngành CNTT và cả riêng lĩnh vực của mình. Qua đó, bạn cũng sẽ biết việc đi nhậu suốt đêm với bạn bè, dù sáng hôm sau vẫn đến công ty sớm hơn 10 phút so với giờ quy định nhưng cả buổi uể oải, làm việc kém hiệu quả có phải là một hành động đúng hay không.
Cách học: Không chỉ ở trường đại học mà suốt những năm tháng từ tiểu học tới phổ thông, phương pháp học chưa bao giờ là môn học chính thức, trong khi đây là một kỹ năng quan trọng. Sự khác biệt giữa việc học Đại học và học phổ thông là gì? Có lẽ là khả năng tự học, tự “bơi”.
Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng kỹ năng tự học là điều rất quan trọng, thậm chí chiếm tới 60% thành công sự nghiệp của một nhân sự CNTT. Và kỹ năng này chính là điểm quyết định tới 90% thành công trong sự nghiệp tôi đề cập ở trên. Nếu bạn đã có thời gian học đại học “đáng bỏ đi”, bạn có thể cứu vãn sự nghiệp của mình bằng việc bắt đầu lại từ viên gạch đầu tiên: phương pháp học. Đến đây, bạn có thể hiểu tại sao tôi liệt kê Cách học là kỹ năng quan trọng.
Việc tự học luôn gặp phải nhiều khó khăn: kỷ luật, lộ trình học tập, cách đánh giá trong quá trình học,… Những kỹ năng này bạn có thể tìm kiếm và thực hành qua những cuốn sách self-help; song tôi thường hướng dẫn các bạn trẻ tự học qua một số nguyên lý:
Thường xuyên theo dõi, đánh giá xu hướng công nghệ, kết hợp với mong muốn, định hướng sự nghiệp của bản thân cùng việc trao đổi với đồng nghiệp, qua đó, tìm ra kiến thức, kỹ năng mình cần học.
Xây dựng một lộ trình học, và quản lý việc học như một dự án thực sự. Bạn có thể sẽ cần cơ chế thưởng, phạt cho bản thân giống như làm việc trong một dự án, bằng mọi giá khiến dự án thành công.
Đối với ngành CNTT, không gì tốt hơn là thực hành. Bạn có thể xây dựng những ứng dụng từ rất nhỏ như quản lý chi tiêu của bản thân tới một sản phẩm lớn hơn như nền tảng giao dịch bất động sản. Việc duy trì pet project là rất cần thiết.
Định hướng nghề nghiệp: Trái ngược với những nghề nghiệp đã tồn tại hàng trăm năm như ngân hàng, y tế, xây dựng,… nơi hệ thống công việc và vai trò được hình thành rõ ràng và kiểm chứng qua thời gian dài, do đặc thù non trẻ và phát triển nhanh của ngành CNTT, công việc và vai trò sẽ luôn biến đổi, biến mất và sản sinh. Hai thập kỷ trước, vai trò lập trình viên mobile gần như không tồn tại; giờ đây lại trở thành phổ biến; vậy hai thập kỷ nữa vai trò này có biến mất?
Bạn sớm có định hướng rõ ràng: trở thành một lập trình viên mobile trong một công ty nước ngoài và làm sản phẩm, lấy đó là tiền đề trở thành lập trình viên trong công ty lớn tầm cỡ quốc tế. Định hướng nghề nghiệp rõ ràng giúp bạn liên tục có những bước tiến trong kỹ năng và sự nghiệp.
Giao tiếp & cộng tác: Tất cả những gì chúng ta từng coi là “kỹ năng mềm”, giờ đây đã là một phần của “kỹ năng cứng”. Tôi đánh giá cao một số ít trường có môn học về phát triển bản thân, bao gồm: kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, thuyết trình,… Những kỹ năng này tuy không được đào tạo trong trường Đại học nhưng lại đóng góp lớn vào thành công sự nghiệp. Thế kỷ 21 đòi hỏi các kỹ năng gắn với 4 chữ C: Communication (giao tiếp), Collaboration (cộng tác), Critical thinking (tư duy phản biện), Creativity (sáng tạo). Chúng xuất hiện trong môn học nào tại trường Đại học của bạn?
Ngành CNTT đang mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn bao giờ hết bởi nó không đòi hỏi bằng cấp. Song bạn nên hiểu, bằng cấp và kỹ năng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Học đại học hay không? Và học đại học theo cách nào? Đây luôn là những câu hỏi rất khó trả lời khi bạn dễ dàng tìm thấy hàng trăm ví dụ và phản ví dụ: Bill Gates và Mark Zuckerberg không học đại học; Larry Page và Sergey Brin lại là những sinh viên ưu tú – tất cả đều là những tên tuổi lẫy lừng trong ngành CNTT.
Theo TechTalk
Đăng ký tư vấn miễn phí