Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, sinh viên ngành CNTT muốn thành công khi khởi nghiệp cần phải đầu tư tìm tòi những cái mới, đồng thời ứng dụng các công nghệ hiện đại để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho xã hội.
Đây là nhận định của các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Cơ hội thành công của sinh viên và Startup với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt” diễn ra vào chiều ngày 15/5 tại trường ĐH KHTN TP.HCM.
Tiếp nối thành công của hệ thống giải thưởng trong lĩnh vực CNTT dành cho cộng đồng khởi nghiệp được khởi xướng từ năm 2017 – thuộc Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, với chủ đề “Sức mạnh công nghệ số”, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 tiếp tục có những bước đổi mới nhằm thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực mới, kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhân tài Việt Nam tỏa sáng, nhiều công trình, giải pháp được ứng dụng thực tiễn trong xu thế chuyển đổi số, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 lĩnh vực CNTT sẽ có 3 hệ thống sản phẩm dự thi chính, bao gồm: Sản phẩm số triển vọng; Sản phẩm CNTT khởi nghiệp; và sản phẩm CNTT Kết nối, di động.
Điểm mới của giải thưởng năm nay đó là được nâng cao gấp đôi so với các năm trước. Cụ thể, mỗi hệ thống sản phẩm sẽ có 1 giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng, 1 giải Ba trị giá 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký dự thi, rất nhiều sinh viên đã băn khoăn về việc đưa những ý tưởng chưa được hoàn thiện của mình tham gia vào Giải thưởng NTDV chắc chắn sẽ khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm đã thành công và có chỗ đứng trên thị trường, điều này trở thành một áp lực rất lớn, thậm chí là có thể trở thành rào cản ngăn sinh viên mang các giải pháp của mình ra xã hội.
Và để giải đáp các thắc mắc trên, ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng NTDV chia sẻ ”khi tham gia Giải thưởng NTDV, các bạn sinh viên ngành CNTT có thể làm ra sản phẩm cạnh tranh với các sản phẩm có trước, miễn là nhanh hơn, tối ưu hơn để tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cần phải ứng dụng kiến thức của mình trên nền tảng Big Data và các xu hướng mới để giải quyết các bài toán của xã hội”
“Nếu lọt vào các vòng cạnh tranh tiếp theo, khi bảo vệ đề tài trước hội đồng, các doanh nhân thành đạt, các nhà khoa học hàng đầu, thì đây chính là cơ hội vàng để các bạn sinh viên ngành CNTT để tự mình lập nghiệp trong tương lai” ông Long nhấn mạnh.
Thông qua Giải thưởng NTDV hoặc các cuộc thi khác, ông Nguyễn Long cũng hy vọng các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành CNTT, sẽ vươn lên và đạt được nhiều thành tích hàng đầu thế giới.
Đồng hành cùng các sinh viên, ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT- Media, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng NTDV chia sẻ: “sinh viên ngành CNTT, kể cả cộng đồng Start-up có thể tận dụng nền tảng, tài nguyên của VNPT để phát triển ý tưởng của mình, chẳng hạn như sử dụng các DataCenter của nhà mạng với sự ưu đãi rất tốt, thậm chí là miễn phí với những ý tưởng hay khi chia sẻ, hợp tác với VNPT. Sinh viên có thể sử dụng các IoT Platform được VNPT đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, phát triển ý tưởng của mình”.
Ông Nguyễn Văn Tấn nhắn nhủ: “với các nguồn tài nguyên của xã hội, các bạn sinh viên hãy cố gắng biến các ý tưởng của mình trở thành hiện thực và đừng sợ thất bại”.
Tiếp nối hoạt động tại TP.HCM, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 sẽ đến với cộng đồng khởi nghiệp và sinh viện tại khu vực miền Trung qua chương trình giao lưu đặc biệt được tổ chức tại ĐH Đà Nẵng vào ngày 24/5 tới đây.
Theo PcWorld