4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố, người dùng internet than trời

Đầu năm 2023 là khoảng thời gian đầy biến động và khó khăn với người dùng internet tại Việt Nam. Theo thống kê chúng ta có hơn 72 triệu người dùng internet, vì thế sự cố đứt liên tiếp 4 tuyến cáp quang biển đã gây ảnh hưởng trên diện rộng đến dung lượng cũng như kết nối mạng đi quốc tế.

4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố (3)

4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố, Ảnh: Tuấn Anh

4 tuyến cáp quang lần lượt bị đứt

Như báo chí đã đưa tin các tuyến cáp quang lần lượt… đứt. Cụ thể như sau.

  • Ngày 24/11/2022: Tuyến cáp AAE-1 bắt đầu gặp sự cố trên hướng đi Hong Kong.
  • Ngày 13/12/2022: Tuyến cáp AAG mất tín hiệu kết nối đi tất cả các hướng.
  • Ngày 21/1/2023: Tuyến cáp lớn nhất APG gặp sự cố trên hướng đi Singapore và Malaysia.
  • Ngày 28/1/2023: Tuyến cáp thứ tư là IA cũng gặp sự cố trên hướng đi Singapore.

4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố (1)

4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố, Ảnh: Tạ Lư

Tính cho đến thời điểm hiện tại 4/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam với thế giới đã gặp vấn đề, chỉ còn tuyến SMW-3 hoạt động ổn định. Điều đáng nói là tuyến cáp quang này đã được liệt vào danh sách chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng hiện tại nó vẫn đang phải “gánh còng lưng” hàng chục triệu người dùng internet Việt Nam.

Lịch sửa chữa dự kiến

Chia sẻ với báo chí đại diện các nhà mạng trong nước cho biết, ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế (NOC) đã lên kế hoạch sửa chữa 3 tuyến APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á).

4 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố (2)

Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22 đến 27.3.2023. Còn lỗi trên nhánh S9 sửa từ ngày 5.4 đến 9.4.2023.

Với tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30.3 đến 4.4.2023.

Riêng tuyến IA thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3.2023. Do đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa.

Như vậy ngoài 3 tuyến trên, tuyến AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) hiện đang gặp sự cố tại vùng biển HongKong đơn vị NOC chưa thể xác định được thời gian sửa chữa cụ thể.

Người dùng internet gặp khó khăn

Theo thống kê của Speedtest tính đến tháng 12.2022, tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 82 Mb/giây, đứng thứ 46 thế giới, trong khi Internet di động đạt 42 Mb/giây, đứng thứ 51 thế giới.

Anh Quang Việt, giám đốc một startup công nghệ tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Dù đã lắp đường truyền của ba nhà mạng, kết hợp bộ cân bằng tải để có thể tối ưu tốc độ khi có nhà mạng gặp vấn đề, tuy nhiên đường truyền mạng vẫn không cải thiện. Việc cài phần mềm chỉ mất từ vài phút thì nay kéo dài vài chục phút".  Đường truyền Internet đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của công ty, việc tốc độ internet trở nên chậm chạp tốc độ tải chưa đến chỉ 4-5 Mb/giây, giảm hàng trăm lần so với trước đó khiến người bán và khách hàng đều mất kiên nhẫn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người kinh doanh online tại Hà Nội cho biết, việc gặp sự cố với đường truyền Internet trong hơn 1 tuần qua khiến công việc bán hàng online của chị bị ảnh hưởng rất lớn. "Việc xử lý hàng chục đơn hàng gặp rất nhiều khó khăn do tốc độ mạng quá chậm. Có thời điểm, gần như cả tiếng tiếng không thể truy cập trang quản lý, các đơn hàng bị treo, ảnh hưởng đến việc giao - nhận hàng hóa", chị Hoa nói.

Thành Trung, một người kinh doanh online tại TP HCM, cũng cho biết anh gặp sự cố với đường truyền Internet ngay khi mở cửa hàng sáng 30/1. "Tôi dự định khai xuân với hơn chục đơn hàng chờ xử lý, nhưng gần một tiếng không thể truy cập trang quản lý, đồng nghĩa đơn hàng bị treo, trong khi khách đang chờ", anh nói, cho biết chưa bao giờ Internet trên máy tính của anh chậm đến vậy.

Trước phản hồi của người dùng đại diện nhà mạng VNPT xác nhận, với việc sự cố xảy ra trên cả bốn hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng sẽ bị "ảnh hưởng ít nhiều", đặc biệt trong giờ cao điểm và ở những hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim. "Đây là sự cố bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp Internet của Việt Nam".

Để khắc phục phần nào tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chia sẻ dung lượng đi quốc tế với nhau để đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.

Bên cạnh việc khắc phục sự cố, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông thúc đẩy quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam.

Theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới. Gần nhất trong năm 2023 sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới là SJC 2 và ADC cập trạm Quy Nhơn (Bình Định), do Viettel và VNPT tham gia phát triển và chuẩn bị đi vào vận hành.


098.778.2201
Chat Zalo