Bluetooth giờ đây không còn là khái niệm xa lạ đối với người dùng thiết bị di động. Chuẩn kết nối không dây này dường như đã có mặt trên hầu hết thiết bị điện tử hiện nay, từ smartphone, tablet, laptop, tay cầm chơi game, cho đến những thiết bị Internet of Things (IoT), smarthome,…
Trải qua nhiều lần nâng cấp phiên bản, Bluetooth ngày càng hoàn thiện hơn nhờ vào những cải tiến về khả năng vận hành, bên cạnh đó là hàng loạt tính năng mới được tích hợp thêm nhằm bắt kịp xu hướng phát triển liên tục của ngành công nghệ.
Và Bluetooth 5.0 cũng không ngoại lệ, nhưng so với các phiên bản cũ, phiên bản mới lần này đã thực sự đưa chuẩn kết nối không dây Bluetooth lên tầm cao mới nhờ vào những nâng cấp đáng chú ý, cho phép người dùng tận dụng tối đa lợi thế mà mạng không dây này mang lại.
Dưới đây là một số thay đổi được xem là nổi trội nhất trên phiên bản Bluetooth 5.0.
Khoảng cách tăng lên gấp bốn lần
Một trong những thay đổi đầu tiên phải nhắc đến đối với phiên bản Bluetooth 5.0 chính là phạm vi hoạt động xa hơn. Theo tài liệu từ tổ chức tiêu chuẩn hóa Bluetooth SIG, Bluetooth 5.0 có thể hỗ trợ khoảng cách kết nối lên đến 300 mét, gấp 4 lần so với chuẩn Bluetooth 4.2 trước đó. Tất nhiên, đây chỉ là con số lý thuyết với điều kiện thử nghiệm lý tưởng truyền thẳng trực tiếp giữa các thiết bị, không có vật cản hoặc tín hiệu khác can thiệp.
Trên thực tế, khi sử dụng trong nhà hoặc văn phòng, trong khi phiên bản Bluetooth 4.2 chỉ hoạt động tốt với khoảng cách tầm 10-15 mét (lý thuyết ở khoảng cách 60 mét), thì Bluetooth 5.0 lại “chạy tốt” ở khoảng cách lên đến 40-60 mét.
Với cải tiến về mặt khoảng cách như vậy, lợi ích dễ nhận thấy nhất chính là người dùng có thể dùng tai nghe không dây ở khoảng cách xa hơn, thoải mái đi lại trong nhà hoặc trong công sở mà không nhất thiết phải mang theo smartphone bên mình.
Không chỉ vậy, Bluetooth 5.0 cũng cho phép các thiết bị, cảm biến thông minh Internet of Things (IoT) có tầm hoạt động xa hơn, thay vì phải lắp đặt gần trạm phát như trước.
Tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp hai lần
Bên cạnh cải tiến về khoảng cách, tốc độ truyền tải dữ liệu của Bluetooth 5.0 cũng là một điều rất đáng chú ý.
Cụ thể, Bluetooth 5.0 hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu lên đến 2 Mbps – nhanh hơn gấp đôi so với 1 Mbps của chuẩn Bluetooth 4.2 - cho phép các thiết bị luôn trong tình trạng kết nối không dây như smartwatch, smartband truyền tải thông tin nhanh hơn.
Trong khi đó, đối với các thiết bị IoT, tốc độ sẽ giúp cảm biến ghi nhận và truyền tải dữ liệu về trạm trung tâm đủ nhanh để có thể cung cấp các phân tích và quyết định theo thời gian thực.
Tiết kiệm điện năng 2,5 lần so với trước
Kể từ Bluetooth 4.x, các thiết bị Bluetooth đã có thời lượng dùng pin dài hơn nhờ vào tính năng mang tên Bluetooth Low Energy (hay còn gọi là Bluetooth Smart).
Theo đó, với tính năng này, mọi thiết bị phát và nhận qua chuẩn giao tiếp Bluetooth, đặc biệt là các thiết bị như đồng hồ thông minh, đèn hiệu và các thiết bị điện năng thấp khác, sẽ giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, cho phép chúng hoạt động liên tục trong thời gian dài so với chuẩn kết nối cũ.
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn khá nhiều mặt giới hạn. Lấy ví dụ, một số thiết bị âm thanh không dây chuẩn cũ không kết nối được qua Bluetooth Low Energy, do đó nhà sản xuất sẽ tiếp tục dùng lại chuẩn cũ của Bluetooth và chấp nhận chúng tốn nhiều năng lượng hơn.
Với công nghệ Bluetooth 5.0, tất cả thiết bị đều có thể kết nối qua Bluetooth Low Energy, giúp tiết kiệm điện năng đáng kể cho các thiết bị này. Theo SIG, tính năng Bluetooth Low Energy trên phiên bản 5.0 có khả năng tiết kiệm pin lên đến 2,5 lần so với chuẩn Bluetooth 4.2.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa khả năng này thì người dùng sẽ cần phải kích hoạt Bluetooth Smart trên các thiết bị của mình. Hầu hết thiết bị di động ra đời trong khoảng 2 năm trở lại đây đều được nhà sản xuất trang bị Bluetooth Smart, bao gồm cả smartwatch hay smartband.
Khả năng nghe nhạc với hai thiết bị cùng một lúc
Một điểm rất thú vị khác đối với Bluetooth 5.0 là người dùng có thể thiết lập để một thiết bị phát âm thanh trên 2 thiết bị khác nhau kết nối cùng lúc.
Nói theo một cách đơn giản hơn, bạn có thể kết nối 2 tai nghe khác nhau vào smartphone của mình, và truyền âm thanh trực tiếp đến chúng cùng lúc, tất cả đều thông qua kết nối Bluetooth. Hoặc bạn có thể cho âm thanh phát ra 2 loa ngoài tại 2 vị trí khác nhau. Thậm chí, người dùng có thể truyền 2 nguồn âm khác nhau cho 2 thiết bị khác nhau tại cùng một thời điểm, điều này cho phép 2 người dùng có thể nghe 2 bài hát khác nhau phát ra đồng thời trên cùng một smartphone.
Tính năng này được biết đến với tên gọi “Dual Audio” trên Samsung Galaxy S8. Theo đó, người dùng chỉ cần kết nối Bluetooth cho 2 thiết bị phát âm thanh với smartphone, kích hoạt tính năng Dual Audio là đã sẵn sàng sử dụng.
Tuy nhiên, đây không phải là tính năng “độc quyền” trên smartphone của Samsung, nó sẽ sớm có mặt trên các thiết bị của các nhà sản xuất khác có hỗ trợ chuẩn Bluetooth 5.0.
Khả năng mở rộng quảng cáo
Về mặt kỹ thuật, với chuẩn Bluetooth 4.2, kích thước được phép của gói dữ liệu (Advertising packets) chỉ ở mức 47 byte, trong đó 31 byte được dành cho dữ liệu thật sự và phần còn lại dùng cho dữ liệu định danh. Trong khi đó, chuẩn Bluetooth 5.0 đã hỗ trợ tăng kích thước của gói dữ liệu lên đến 255 byte, qua đó cho phép mỗi gói tin có thể truyền tải nhiều dữ liệu hơn qua Bluetooth.
Nhưng đây chưa phải là tất cả, nhờ vào việc truyền tải nhiều dữ liệu hơn trên mỗi gói tin, Bluetooth 5.0 giờ đây sẽ cho phép các nhà quảng cáo có thể gửi những dữ liệu quảng cáo của họ đến thiết bị Bluetooth khác, ngay cả khi người dùng không kết nối vào mạng Bluetooth này. Tính năng này được gọi là “connection-less broadcasting" - tạm dịch là truyền dữ liệu không cần kết nối.
Lấy ví dụ, bạn bước vào một trung tâm mua sắm và thiết bị di động được kích hoạt chế độ Bluetooth. Một cửa hàng bất kỳ có thể sử dụng một trạm phát Bluetooth, và gửi những thông tin về hàng hóa mới nhất tới chiếc smartphone của bạn. Tất cả điều này sẽ diễn ra mà không cần bạn phải thiết lập ghép đôi smartphone của mình với trạm Bluetooth của cửa hàng đó. Lẽ dĩ nhiên, các nhà quảng cáo sẽ phải làm thật khéo để không khiến cho người dùng cảm thấy quá phiền phức.
Ở một bối cảnh khác, với tính năng truyền dữ liệu không cần kết nối, khi bạn vừa tới một thành phố mới thì ngay lập tức, điện thoại sẽ hiển thị thông báo chào mừng kèm theo các hướng dẫn chi tiết bạn nên đi đâu, làm gì, chơi gì. Điều này rất hữu dụng với những ai thường xuyên đi du lịch đến những địa điểm mới.
Yêu cầu phần cứng mới
Với tất cả những thay đổi rất tích cực nói trên, Bluetooth 5.0 chắc chắn sẽ mang đến nhiều ứng dụng thiết thực hơn, qua đó hứa hẹn đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng cuối cũng như các nhà phát triển sản phẩm IoT.
Tuy nhiên, điều không may là Bluetooth 5.0 lại yêu cầu mọi thiết bị Bluetooth phải trang bị phần cứng mới có hỗ trợ phiên bản mới nhất của chuẩn kết nối này, trong khi đó hầu hết thiết bị thông minh trên thị trường hiện tại chỉ được đi kèm chuẩn Bluetooth 4.2 thông thường.
Cụ thể hơn, nếu kết nối một trong hai thiết bị nhận – gửi có hỗ trợ Bluetooth 5.0, trong khi thiết bị còn lại chỉ dùng Bluetooth 4.2, thì tốc độ, tầm phủ sóng, khả năng tiết kiệm năng lượng chỉ ở mức tối đa mà Bluetooth 4.2 có thể đạt được.
Do vậy, nếu muốn tận dụng tối đa khả năng của Bluetooth 5.0, người dùng sẽ buộc phải nâng cấp chip Bluetooth 5.0 mới cho cả 2 thiết bị (gửi và nhận).
Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này sẽ tương đối khó do chỉ có vài mẫu smartphone cao cấp được ra mắt trong năm vừa rồi như iPhone 8, iPhone X hoặc Galaxy S8 trở lên mới hỗ trợ Bluetooth 5.0.
Trong khi đó, với laptop hoặc PC thì người dùng dễ dàng nâng cấp card Bluetooth đời mới nhưng cũng sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để linh kiện trở nên đại trà trên thị trường.
Theo PCWorld