Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố từ ngày 14/5, khiến đường truyền Internet quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch ban đầu, cáp quang sẽ hoàn thiện sửa chữa vào ngày 2/6. Đáng tiếc là mốc thời gian trên đã bị kéo dài tới ngày 6/6 do trong quá trình khắc phục sự cố đối tác quốc tế đã phát hiện thêm điểm đứt mới trên tuyến và cần thêm thời gian để sửa chữa.
Tháng 5 vừa qua, người dùng Internet trong nước gặp nhiều khó khăn khi muốn kết nối tới các dịch vụ nước ngoài. Trước đó, vào ngày 14/5, tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố lần thứ hai trong năm 2020, ảnh hưởng tới chất lượng Internet quốc tế trên tuyến. Nguyên nhân được xác định là do lỗi cáp trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, với vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7 km.
Khi tuyến AAG chưa sửa xong thì tới ngày 23/5 tuyến APG lại gặp sự cố trên đoạn S1.7 gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Ngay sau khi phát hiện tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố, các nhà mạng đã triển khai phương án để điều chuyển lưu lượng sang các hướng cáp đất liền và cáp biển khác. Theo kế hoạch ban đầu, việc sửa chữa tuyến cáp quang APG hoàn thành vào ngày 31/5.
APG là tuyến cáp quan trọng và có tính ổn định cao được vận hành từ cuối năm 2016. Đây là một trong năm tuyến cáp quang chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, CMC Telecom, Viettel, FPT Telecom.
Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, hiện nay dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế phần lớn là qua các tuyến cáp biển gồm SMW3, APG (cập bờ tại Đà Nẵng), IA, AAG và AAE-1 (cập bờ tại Vũng Tàu).
Việc hai tuyến cáp quan trọng là APG và AAG cùng lúc gặp sự cố khiến người dùng gặp khó khăn khi muốn giải trí, làm việc trong thời gian qua. Nhiều người than phiền không thể họp trực tuyến, chơi game online hay xem phim, nhất là vào dịp cuối tuần khi nhu cầu sử dụng tăng cao.
Đại diện của một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho biết việc xảy ra sự cố cáp quang biển là tình huống bất khả kháng với các nguyên nhân phổ biến do đường cáp nằm dưới biển bị đứt hoặc tàu thuyền lớn qua lại hạ neo dễ làm cáp dò nguồn.
Trước tình huống này, giải pháp của nhà mạng là sử dụng công cụ phần mềm giám sát, phát hiện để điều chỉnh, san tải giúp giảm tối đa ảnh hưởng tới các dịch vụ. Ngoài ra, nhà mạng cũng lắp đặt hệ thống cache của các hãng lớn tại các tổng trạm để lưu trữ các nội dung thường xuyên, cơ bản ở trong nước, hạn chế kết nối ra quốc tế.
Theo Zing.vn