Công nghệ thông tin (CNTT) đang là ngành nghề vô cùng hot hiện nay với số lượng hồ sơ đăng ký cao thứ 2 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; tỷ lệ chọi một số trường đạt mức 1:7, tương đương với gần 290.000 sĩ tử đứng trước nguy cơ trượt đại học.
Thế nhưng, liệu đại học có phải con đường duy nhất để thành công trong ngành CNTT?
Đi cùng với sự phát triển thần tốc của thời đại 4.0, công nghệ thông tin đang là một ngành nghề được đánh giá cao nhất hiện nay, được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn theo đuổi. Một số người lựa chọn CNTT vì đam mê, một số lựa chọn vì đây là "ngành HOT, lương CAO", đảm bảo một tương lai vững chắc. Thế nhưng dù xuất phát từ lý do gì, hầu hết các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ đều cố gắng lựa chọn Đại học để bắt đầu bước vào ngành nghề này.
Với tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, số lượng thí sinh đăng ký đông, thi cử không phải lúc nào cũng may mắn; vậy đâu là cơ hội cho bạn trong ngành CNTT?
Ngành CNTT ghi nhận con số kỷ lục những bạn trẻ bắt đầu từ con số 0 - tức là không cần bạn phải hiểu biết trước về IT, không cần quá đam mê công nghệ, không cần giỏi tin học, toán học... bạn vẫn có thể bước vào ngành CNTT và tìm một hướng đi để phát triển.
Đặc thù của ngành CNTT đó là lý thuyết nhiều, nhưng khi làm việc thực tế, doanh nghiệp lại chỉ quan tâm đến thực hành. Đó chính là lý do vì sao 70% sinh viên CNTT ra trường sau 4 năm học lý thuyết vẫn rất khó khăn khi tìm việc - mặc dù nhu cầu tuyển dụng ngành này đang ở mức rất cao! Điều đó cho thấy thực hành là yếu tố quan trọng hàng đầu khi học CNTT.
Nếu nắm vững được lý thuyết, thực hành đáp ứng được nhu cầu, bạn sẽ được các nhà tuyển dụng săn đón với mức lương khởi điểm từ 6,7 - 15 triệu đồng/ tháng - một mức lương khá cao dành cho sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên để thành công thực sự trong ngành CNTT, gia tăng mức lương, thăng tiến trong sự nghiệp sau này, bạn còn cần những yếu tố nào?
Trong thời buổi ngành CNTT đang thiếu hụt trầm trọng về nhân sự, thì vấn đề bạn xuất thân từ trường đại học nào, bạn có học đại học hay không, được xếp hàng ưu tiên thứ 2.
"Điều mà các nhà tuyển dụng hiện nay và trong khoảng 5 - 10 năm tiếp theo quan tâm nhất ở ứng viên CNTT, đó là khả năng đáp ứng được công việc ngay sau khi ra trường, chứ không phải là bạn có bằng đại học hay không", chị Mạc Thu Trang - Trưởng Phòng Tuyển Dụng Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế HRI - một công ty chuyên cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty CNTT hàng đầu trên thị trường phát biểu.
Để có được khả năng đáp ứng công việc, sinh viên mất 4 năm đại học, 1-2 năm thực tập và làm việc lấy kinh nghiệm. Nhưng giờ đây, đã có rất nhiều những đơn vị giáo dục khác nhau ngoài hệ Đại học cũng đào tạo ngành CNTT. Với những lợi thế và điểm mạnh riêng, những đơn vị này ngày càng thu hút đông đảo các bạn sinh viên lựa chọn. Thay vì lựa chọn đại học và dành 4 - 5 năm để học cả kiến thức IT lẫn chương trình giáo dục cơ bản như Toán cao cấp, Thể dục… đều là những môn rất dài và vô cùng "khó nhai"; thì Gen Z đã lựa chọn những nơi có thời gian đào tạo ngắn, thực hành nhiều, tập trung vào kiến thức chuyên ngành, sớm được đi làm để khẳng định và phát triển bản thân trên con đường theo đuổi ngành CNTT.
Nguồn: kenh14.vn