Ngoài 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng, học thêm bằng Thạc sĩ Truyền thông, Nguyễn Thu Hương đã có công việc khiến khá nhiều người trong độ tuổi của mình mơ ước: Nhân viên truyền thông cho tập đoàn tài chính. Được làm việc trong môi trường năng động, gặp gỡ nhiều người giỏi giang, Hương bảo rằng đó là may mắn của mình, bởi đó là công việc cô thích, cô học được nhiều và tất nhiên thu nhập còn khá ổn so với rất nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Vấn đề duy nhất của nàng 8X sau một thời gian làm việc khi ấy chỉ là, dù Hương vẫn thích công việc, công việc vẫn trôi chảy, nhưng cô cũng nhận thấy không ít người cô tiếp xúc dù kiếm được nhiều tiền nhưng cô không cảm thấy họ hạnh phúc và họ dường như rất khó để kết nối với nhau. Khi ấy, trong đầu cô gái trẻ ưa quan sát và nhiều triết lý đã đặt ra hàng trăm câu hỏi lớn về định danh, ý nghĩa cuộc đời.
Nhưng hành trình đến với Thiền của Hương lại bắt đầu từ một lớp Yoga mà cô đi học vào cuối năm 2011. Trong một lần ngồi tĩnh lặng, Hương bắt gặp một cảm giác vô cùng sảng khoái mà cô chưa từng bắt gặp trước đây. "Hồi đó mình không biết tả đó là cảm giác gì, nhưng giờ mình biết đó là cảm giác bình an". Đó cũng là dấu mốc khiến một cô gái trẻ từng chỉ nghĩ chỉ có những môn vận động mạnh mẽ sôi động mới có thể giúp mình bung tỏa cảm xúc gieo trong mình một suy nghĩ rất khác lạ về những môn học chậm như thế.
(hình ảnh" Tiếp thị & Gia đình)
Để tìm và hiểu thêm về cảm giác bình yên, kết nối với chính mình, theo lời giới thiệu của một người bạn, Hương đã tìm đến các lớp Thiền và đi học nhiều khóa học phát triển bản thân. Những lớp Thiền cô tham gia không nặng về tôn giáo mà đa số đều là các lớp do các thầy nước ngoài hướng dẫn về cách kết nối, lắng nghe bản thân mình. Hương kể, những lớp học ấy không rẻ nhưng điều cô thu được khiến cô vô cùng hài lòng, đó là cô bao dung, hiểu chính mình, cô tìm được câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi về cuộc đời.
Cuộc sống của Hương may mắn không có biến cố cũng không phải vất vả lo gánh nặng gia đình. Nhưng đừng thấy cô nhẹ nhàng, khoan thai mà cho rằng cô nền tính bẩm sinh. Khi còn trẻ và chưa biết gì về Thiền, cô nàng tuổi hổ cũng từng rất khẳng khái thích đấu tranh. Nhân danh chính nghĩa, những lời nói nóng nảy của cô cũng từng làm tổn thương nhiều người mà bản thân không nhận ra.
Trước đó, Hương cũng rất ghét phải lắng nghe người khác kể những câu chuyện buồn. Là người độc lập và mạnh mẽ từ nhỏ, Hương khi đó không thể hiểu, tại sao có mỗi cái chuyện nhỏ như vậy mà người ta không vượt qua được để cứ mãi buồn khổ, day dứt như thế.
Thế nên Nguyễn Thu Hương trước và sau học Thiền tuy vẫn là một nhưng lại là con người khác hẳn, vẫn chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, vẫn sâu sắc, muốn học hỏi nhưng biết lắng nghe, biết cảm thông hơn nhiều. Cô thậm chí còn giúp đỡ được không ít người chỉ bằng cách lắng nghe câu chuyện của họ, ôm ấp cảm xúc của họ và đặt ra những câu hỏi quanh câu chuyện của họ để họ tự tìm ra được những góc nhìn khác, bao quát hơn, mới mẻ hơn.
Hiện tại, với Hương, hiểu được chính mình, có thể giúp đỡ được một số người đó là điều khiến cô vui hơn tất thảy và khiến cuộc sống ý nghĩa hơn tất thảy.
(hình ảnh: cafebiz)
Càng thực hành Thiền, Hương thấy mình trở thành cái tôi tốt hơn của ngày hôm qua. Thậm chí khi chia sẻ những kinh nghiệm về Thiền mà cô học hỏi cho bạn bè, những câu chuyện và sự lắng nghe của Hương cũng giúp đỡ được không ít người. Và đó cũng là lúc cô muốn làm gì đó để giúp nhiều người cân bằng cảm xúc tốt hơn, hạnh phúc hơn và hiểu mình hơn.
Vốn là người trẻ, thích sử dụng công nghệ và sử dụng nhiều app, Hương phát hiện ở nước ngoài có rất nhiều app Thiền nhưng ở Việt Nam lại chưa hề có. Vậy là ý tưởng về một app Thiền dành cho người Việt bắt đầu được cô nung nấu từ năm 2017. Cùng với một người bạn là coder vừa giỏi về kỹ thuật, vừa có thẩm mỹ, Hương bắt tay vào xây dựng app Thiền "made in Việt Nam" như thế. Lấy cảm hứng từ múa đương đại: Ít quy tắc, đi theo hơi thở và cảm nhận, Hương đặt tên cho sản phẩm của mình là Thiền Đương Đại.
Theo phân công công việc, bạn của Hương lo phần kỹ thuật, còn cô lo phát triển nội dung, nghiên cứu các chủ đề phù hợp rồi thu âm. Hương thừa nhận, họ cứ làm túc tắc thôi, vì không có áp lực về thời gian, thời hạn hay doanh thu, và cũng vì cả 2 đều còn những công việc chính. "Team chỉ có 2 người, mỗi tháng bọn mình chỉ dành cho vài tiếng cho app. Nhưng bọn mình đều thấy nó là một thứ giá trị, hơn hết, bọn mình đều là những người làm sản phẩm có tâm, phải thấy nó tốt thì mới làm".
Vốn có kinh nghiệm làm truyền thông nên ngay khi bắt đầu xây dựng app, Hương đã biết chính xác đối tượng mình hướng đến cũng như người dùng sẽ cần gì ở sản phẩm mình đang xây dựng. Cuối cùng, đến khoảng 2018, đứa con tinh thần của Hương đã chính thức trình làng và nhận được không ít lời khen từ người dùng, nhiều người còn tỏ ra kinh ngạc khi app Việt Nam lại đẹp và văn minh như thế.
(hình ảnh: Trí thức trẻ)
App Thiền của Hương được chia ra theo chủ đề như Thiền tĩnh lặng, Thiền có dẫn... Song song với những bài thu phí, người dùng cũng có tới 6 bài để trải nghiệm miễn phí. Trong khoảng 2 năm đầu, app thu tiền theo bài, theo đó, người dùng chỉ cần trả 150 ngàn là đã có quyền sử dụng vĩnh viễn một bài Thiền bất kỳ. Còn hiện tại, Hương đã chuyển sang thu tiền theo thức thuê bao tháng và người dùng sẽ được nghe trọn bộ kho bài như đối với các app Netflix, Spotify...
"Mình không lo lắng nhiều về chi phí vì đã tham khảo nhiều app nước ngoài tương tự và mình tin app của mình làm ra có giá trị. Thậm chí khi còn tính tiền theo bài lẻ, đã có người bỏ đến 3 triệu đồng một lúc để mua bài trên app. Và điều bất ngờ hơn nữa là theo thống kê, trong hơn 50.000 khách hàng của app Thiền, ngoài người Việt tại Việt Nam còn có người Việt tại 49 quốc gia trên thế giới sử dụng. Đây là điều khiến mình vui nhất, không chỉ vì app được nhiều người biết đến mà còn bởi hóa ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài lại đông đến thế" - Hương tự hào.
Nói về chặng đường dài của sản phẩm của mình, Hương chia sẻ, cô muốn giống như các app nước ngoài, sau này có nhiều bạn trẻ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng như Sơn Tùng MTP hay Đen Vâu, các diễn giả, diễn viên sẽ tham gia dẫn Thiền trên app của mình và mang những năng lượng tích cực, hạnh phúc, vui vẻ đến cho người dùng. Bởi như Hương quan niệm, mục đích cuối cùng của cô khi xây dựng app Thiền là để mọi người hạnh phúc hơn, an yên hơn, để mọi người thấy Thiền là gì đó rất gần và hoàn toàn có thể chạm tới trong cuộc sống bận rộn, xô bồ này. Hương đã chứng minh "Phát triển ứng dụng phần mềm có ích cho cuộc sống không khó, quan trọng là đam mê và quyết tâm thực hiện ước mở của mình".
Bạn có thể tải ứng dụng tại http://thienduongdai.com/
Tham khảo thêm một số Khóa học Lập trình, phát triển phần mềm
[Theo: Trí Thức Trẻ]
Đăng ký tư vấn miễn phí