Việt Nam đối mặt với hàng loạt thách thức khi phát triển kinh tế số

Theo bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam đối mặt với hàng loạt thách thức khi phát triển kinh tế số về an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao… nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực.

Việt Nam đối mặt với hàng loạt thách thức khi phát triển kinh tế số

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, tại phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Xu hướng số hoá đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế.

Sự thay đổi của khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 29% mỗi năm, đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; thách thức về an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.

Để phát triển kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN.

Trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của TMĐT và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị WEF tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xây dựng và thực thi các sáng kiến về kinh tế số và TMĐT.

Ngoài ra, với việc WEF có số lượng thành viên đồ sộ là các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác nhau, Bộ trưởng đề nghị WEF mở rộng triển khai hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm và còn nhiều tiềm năng như năng lượng mới và năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ…

Theo ICTNEWS


098.778.2201
Chat Zalo